top of page
Ảnh của tác giảChristopher Vu

Đa dạng thần kinh: cuộc cách mạng về tư tưởng

Đã cập nhật: 29 thg 7

Bài viết này nhằm mục đích làm sáng tỏ và cung cấp kiến thức cho độc giả về khái niệm “đa dạng thần kinh” trong tâm thần học hiện đại.


Định nghĩa khái niệm đa dạng thần kinh

Để bắt đầu, bạn cần hiểu rõ khái niệm đa dạng thần kinh (neurodivergence). Thuật ngữ này ám chỉ một tập hợp gồm các thể khác biệt về thần kinh, chẳng hạn như tự kỷ (theo Jaarsma và cộng sự, năm 2012), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng khó đọc (dyspraxia), và các nhóm não bộ khác (theo Arnold, năm 2020). Nhóm đa dạng thần kinh có cách xử lý thông tin, trải nghiệm thế giới và tương tác xã hội khác với đại đa số người có “thần kinh điển hình” (neurotypical). Khái niệm “đa dạng thần kinh” được tạo ra nhằm kêu gọi sư công nhận và tôn trọng của mọi người thay vì xem đây là một dạng rối loạn hay khuyết tật.


Tôn trọng khác biệt

"Đa dạng thần kinh cần phải được công nhận là một phần không thể thiếu trong nỗ lực hệ thống hóa ngành giáo dục nhằm đạt được sự đa dạng, bình đẳng và tích hợp. Đa dạng thần kinh giao thoa với mọi khía cạnh từ chủng tộc, dân tộc, giới tính đến bản dạng giới, tính dục, giai cấp và các nhóm yếu thế khác." (Theo tiến sĩ Steven Kapp, giảng viên cao cấp chuyên ngành tâm lý học tại đại học Portsmouth).

Hiểu về rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorders)

Một trong những khía cạnh thường được thảo luận nhiều nhất về đa dạng thần kinh là rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Tự kỷ là những rối loạn tâm lý đặc trưng bởi các biểu hiện về hành vi, giao tiếp xã hội và khả năng xử lý thông tin. Điều quan trọng phải thừa nhận tự kỷ là một phổ, nghĩa là trải nghiệm và nhu cầu của những người tự kỷ có thể rất khác nhau (theo Lord và cộng sự, năm 2000). Một số có thể cần đến sự hỗ trợ đặc biệt, trong khi những người khác có thể sống hoàn toàn độc lập (theo Leadbitter và cộng sự, năm 2021).


Đa dạng thần kinh và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một hội chứng khác của đa dạng thần kinh. Những người mắc ADHD thường gặp khó khăn trong việc tập trung và kiểm soát bản năng. Họ hay bị mất tập trung, thường bị phân tâm, và rất dễ trở nên hiếu động (theo Brown, năm 2008). Mặc dù có thể gây ra nhiều khó khăn, đây cũng là điểm mạnh độc đáo của những cá thể mắc ADHD, như khả năng sáng tạo và mức năng lượng cao của họ.

ADHD

Khám phá chứng khó đọc: một khả năng học khác biệt

Một trong những rối loạn ảnh hưởng đến việc xử lý ngôn ngữ là chứng khó đọc (dyspraxia). Việc đọc trôi chảy, viết đúng chính tả và nhận biết chính xác từ ngữ có thể khá khó khăn với những cá nhân mắc hội chứng này. Chúng ta cần phải hiểu rằng chứng khó đọc không phản ánh trí thông minh của một người. Nhiều cá nhân mắc chứng khó đọc lại sở hữu khối lượng kiến thức to lớn và và kỹ năng sáng tạo vượt bậc, nhưng họ có thể cần đến một số phương pháp học tập và giao tiếp hỗ trợ thay thế (theo Siegel, năm 2006).


Rối loạn xử lý cảm giác ở nhóm đa dạng thần kinh

Rối loạn giác quan, hay còn gọi là rối loạn xử lý cảm giác (Sensory Processing Disorder, viết tắt là SPD) là một yếu tố quan trọng của đa dạng thần kinh. Nhiều cá thể đa dạng thần kinh thường có sự nhạy cảm nhất định đối với các kích thích, nghĩa là họ có thể trở nên quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm hơn đối với một số âm thanh, vật liệu, hoặc ánh sáng, điều này có thể khiến họ trải qua cảm giác lo âu và căng thẳng kéo dài (theo Kapp và cộng sự, năm 2019). Gia tăng sự thấu hiểu và cảm thông với những người mắc chứng rối loạn xử lý cảm giác là cần thiết trong việc xây dựng một cộng đồng hòa nhập và công bằng.


Đa dạng thần kinh trong bối cảnh xã hội

Khung đa dạng thần kinh không chỉ gói gọn trong trải nghiệm của một cá nhân, mà còn là một khái niệm mang tính cách mạng nhằm kêu gọi sự thừa nhận của xã hội đối với nhóm người sở hữu hệ thần kinh khác biệt (theo Fenton, năm 2007). Bằng cách nhận biết và tôn trọng sự đa dạng não bộ, xã hội có thể hưởng lợi từ những đóng góp độc đáo của các cá thể đa dạng thần kinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm khoa học, công nghệ thông tin, nghệ thuật,...


Tôn trọng sự khác biệt

Kết luận:

Đa dạng thần kinh vốn là một khái niệm trừu tượng và phức tạp đòi hỏi những nỗ lực liên tục để có thể thấu hiểu tường tận. Bài viết này đã tóm tắt một số thông tin quan trọng nhất về đa dạng thần kinh, bao gồm tự kỷ, ADHD, chứng khó đọc, rối loạn xử lý cảm giác, cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy tính toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người.


Nhận biết và tôn trọng nhóm đa dạng thần kinh không chỉ là vấn đề về tính công bằng mà còn là cơ hội cho xã hội hưởng lợi từ tiềm năng đặc biệt của những cá nhân có khác biệt não bộ. Chúng ta cần phải xây dựng một cộng đồng đầy lòng khoan dung và chấp nhận, nơi mọi người đề cao thay vì đánh đồng những khác biệt của nhau.


Nếu bạn có người quen thuộc nhóm đa dạng thần kinh, hãy nhớ rằng sự thấu hiểu, chấp thuận và cổ vũ là điều rất đáng trân trọng, và rằng mỗi cá thể đa dạng thần kinh đều có một hành trình riêng biệt và sức mạnh tiềm năng để đóng góp cho sự phát triển của xã hội.


Trích dẫn:

1. Arnold L (2020). Autonomy, the Critical Journal of Interdisciplinary Autism Studies. In Kapp SK (ed.). Autistic Community and the Neurodiversity Movement. pp. 211–220. doi:10.1007/978-981-13-8437-0_15

2. Brosnan, M., Lewton, M., & Ashwin, C. (2016). Reasoning on the Autism Spectrum: A Dual Process Theory Account. Journal of autism and developmental disorders, 46(6), 2115–2125. https://doi.org/10.1007/s10803-016-2742-4

3. Brown T. E. (2008). ADD/ADHD and Impaired Executive Function in Clinical Practice. Current psychiatry reports, 10(5), 407–411. https://doi.org/10.1007/s11920-008-0065-7

4. Fenton, A., & Krahn, T. (2007). Autism, neurodiversity and equality beyond the 'normal.' Journal of Ethics in Mental Health, 2(2), 1–6.

5. Jaarsma P, Welin S (March 2012). Autism as a natural human variation: Reflections on the claims of the neurodiversity movement. Health Care Analysis. 20 (1): 20–30. doi:10.1007/s10728-011-0169-9

6. Kapp, S. K., Steward, R., Crane, L., Elliott, D., Elphick, C., Pellicano, E., & Russell, G. (2019). “People should be allowed to do what they like”: Autistic adults’ views and experiences of stimming. Autism, 23(7), 1782–1792. https://doi.org/10.1177/1362361319829628

7. Leadbitter, K., Buckle, K. L., Ellis, C., & Dekker, M. (2021). Autistic Self-Advocacy and the Neurodiversity Movement: Implications for Autism Early Intervention Research and Practice. Frontiers in psychology, 12, 635690. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2021.635690

8. Lord, C., Cook, E. H., Leventhal, B. L., & Amaral, D. G. (2000). Autism spectrum disorders. Neuron, 28, 355-363.

9. Siegel L. S. (2006). Perspectives on dyslexia. Paediatrics & child health, 11(9), 581–587. https://doi.org/10.1093/pch/11.9.581

49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page