Trị liệu gia đình là gì?
Đã cập nhật: 4 ngày trước
Hiện nay, trị liệu gia đình là một công cụ đắc lực trong việc giải quyết những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình.
Giới thiệu
Trị liệu gia đình, còn được gọi là tham vấn gia đình hoặc trị liệu hệ thống gia đình, là một hình thức trị liệu tâm lý chuyên biệt tập trung vào việc cải thiện động lực, chức năng, và cơ chế vận hành của các gia đình hay cặp vợ chồng. Hiện nay, trị liệu gia đình là một công cụ đắc lực trong việc giải quyết những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình.
Hiểu về trị liệu gia đình
Trị liệu gia đình là một nhánh của trị liệu tâm lý (Psychotherapy) vốn tập trung vào việc điều trị các “bệnh lý” của gia đình. Trị liệu gia đình công nhận sức khỏe tinh thần và tình trạng phát triển của mỗi cá nhân có liên quan mật thiết đến động lực và sự cân bằng nội tại của gia đình (theo Dallos và cộng sự, năm 2010). Niềm tin cốt lõi của trị liệu gia đình cho rằng gia đình là một lực lượng độc đáo và mạnh mẽ khi vừa có thể hỗ trợ, đồng thời gây cản trở sự phát triển toàn diện của một cá nhân (theo Goldenberg và cộng sự, năm 2012).
Mục tiêu chính của trị liệu gia đình là chẩn đoán, can thiệp, và giải quyết những vấn đề đã và đang tồn đọng trong gia đình, chẳng hạn như giao tiếp thất bại, xung đột chưa được giải quyết, rối loạn cảm xúc và hành vi, những di chứng trong quá khứ,.. Bằng việc điều trị dứt điểm những bệnh lý trên, phương pháp trị liệu này sẽ giúp gia đình vượt qua những tình huống khó khăn, cũng như xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và hiệu quả hơn.
Nguyên tắc của trị liệu gia đình
Có một số nguyên tắc nền tảng cho việc thực hành trị liệu gia đình mà bạn cần biết:
Học thuyết hệ thống (Systems Theory):
Những nhà tham vấn coi gia đình là một tổng thể mở & phức hợp gồm nhiều yếu tố liên kết với nhau. Sự biến động trong một thành phần bất kỳ của hệ thống có thể tạo ra những tác động mang tính lan truyền trong gia đình (theo Von, năm 1968). Dựa trên quan điểm này, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không hề đơn tuyến mà là phức tuyến, trong đó mọi cá nhân đều mang ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi nhau.
Một trong những can thiệp trị liệu phổ biến nhất trong trị liệu gia đình là liệu pháp cấu trúc (Structural Family Therapy), được phát triển bởi Minuchin vào năm 1974. Mục tiêu chính của phương pháp này là xây dựng một hệ thống phân cấp gia đình (hierarchical family organization) ổn định dựa trên chức năng của các tiểu hệ thống điều hành riêng biệt (executive subsystem) ràng buộc bởi những đường biên giới (boundaries) cụ thể. Để làm được điều này, liệu pháp cấu trúc sẽ tập trung cải thiện các tương tác và cách thức giao tiếp hiện tại giữa các thành viên trong gia đình.
Một can thiệp trị liệu phổ biến khác có thể kể tới là liệu pháp chiến lược (Strategic Family Therapy). Khi kết hợp với mô hình hệ thống, liệu pháp chiến lược sẽ giúp gia đình hình thành những ý tưởng và cách tiếp cận mới so với những phương pháp không còn hiệu quả mà họ đã từng áp dụng nhằm đối phó với những vấn đề trong quá khứ (theo Norcross và cộng sự, năm 2016).
Liệu pháp giáo dục tâm lý (Psychoeducational Therapy)
Trong ba thập kỷ qua, sự phát triển của can thiệp gia đình đã dẫn đến sự ra đời liệu pháp giáo dục tâm lý gia đình (theo McFarlane và cộng sự, năm 2003). Giáo dục tâm lý, kết hợp các yếu tố trị liệu, truyền đạt thông tin (theo Pitschel-Walz và cộng sự, năm 2001) và hỗ trợ trị liệu (theo Hogarty và cộng sự, năm 1986) tạo thành ba khía cạnh trung tâm của mô hình này, từ đó cho phép thân chủ tham gia vào việc thay đổi hành vi của họ.
Liệu pháp giáo dục tâm lý đã được chứng minh là đem lại lợi ích không hề nhỏ cho các gia đình. Ví dụ, các can thiệp gia đình gần đây đã cho thấy một số thành công trong việc giảm thiểu các biểu hiện triệu chứng và tỷ lệ tái phát, cũng như cải thiện môi trường gia đình cho những người trẻ có vấn đề về tâm lý và hành vi, (theo Ruffolo và cộng sự, năm 2006), hay trầm cảm và rối loạn lưỡng cực (theo Ruffolo và cộng sự, năm 2005).
Đọc thêm: Tại sao nên chọn Đất Trị Liệu?
Can thiệp hành vi (Behavioural Interventions):
Từ năm 1986, các nhà nghiên cứu như Fallon, Anderson và cộng sự đã sử dụng rộng rãi các phương pháp tiếp cận hành vi trong điều trị bệnh tâm thần mãn tính. Trong trị liệu gia đình, can thiệp hành vi được áp dụng để giáo dục phụ huynh các kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc và giao tiếp với con cái, đặc biệt là với những trẻ mắc các hội chứng rối loạn tâm lý phổ biến.
Vì động lực là điều kiện tiên quyết trong trị liệu gia đình, nên những cặp vợ chồng bất hòa thường được áp dụng các kỹ thuật trong can thiệp hành vi, ví dụ như khi nhà tham vấn yêu cầu họ hoàn thành bài tập về nhà sau mỗi phiên trị liệu. Can thiệp hành vi cũng có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn chức năng tình dục (Sexual Dysfunction) khi được tùy chỉnh nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mỗi thân chủ.
Một số lợi ích nổi bật của trị liệu gia đình
Trị liệu gia đình có thể mang đến nhiều lợi ích đáng kể cho các vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý khác nhau, bao gồm:
Vấn đề hành vi ở tuổi vị thành niên (Adolescent Behaviour Problems - ABP): Theo Baldwin (năm 2012), trị liệu gia đình là một phương pháp dựa trên bằng chứng để điều trị các vấn đề hành vi ở tuổi vị thành niên, trong đó tập trung trực tiếp vào từng thành viên trong gia đình nhằm củng cố mối quan hệ và xây dựng chiến lược đối phó hợp lý với những khó khăn mà trẻ vị thành niên hay người chăm sóc có thể gặp phải.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder - PTSD): Bản chất mối tương quan giữa PTSD và các vấn đề gia đình rất phức tạp, khi vừa chịu ảnh hưởng từ sự tác động của chứng PTSD lên các thành viên trong gia đình nói chung, vừa là sự ảnh hưởng của môi trường gia đình đối với những cá nhân mắc chứng PTSD nói riêng. Trị liệu gia đình có thể thay đổi các triệu chứng rối loạn căng thẳng này thông qua các khía cạnh an ủi, chữa lành và hỗ trợ về mặt xã hội trong các phiên trị liệu, từ đó giúp thân chủ học cách thích nghi với cuộc sống và cải thiện những vấn đề về sức khỏe thể chất (theo Dirkzwager, năm 2003; Kaniasty, năm 2008).
Rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorders - ASD): Những gia đình với con trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ có thể tận dụng lợi ích từ trị liệu gia đình theo nhiều cách khác nhau (theo Helps, năm 2016). Ví dụ, bằng việc thúc đẩy các cuộc trò chuyện thẳng thắn và thành thật giữa các thành viên, trị liệu gia đình có thể giúp cải thiện tình trạng hôn nhân hay sức khỏe tinh thần của cha mẹ, đồng thời gia tăng sự kiên nhẫn và khả năng thích ứng trước khó khăn. Anh chị em trong gia đình cũng có cơ hội xem xét những vấn đề hoặc lo ngại chưa được giải quyết (như nguyên nhân di truyền, vai trò hiện tại và tương lai của họ khi là người chăm sóc,...) trong một phiên trị liệu gia đình.
Kết luận
Trị liệu gia đình là một liệu pháp quý giá cho các cá nhân và gia đình khi đứng trước nhiều thách thức đa dạng trong cuộc sống. Bằng việc cung cấp một cách tiếp cận hỗ trợ và toàn diện nhằm giải quyết tận gốc các bệnh lý, tái cấu trúc tổ chức gia đình, cải thiện giao tiếp và tăng cường sự gắn kết trong các mối quan hệ, gia đình của bạn có thể thừa hưởng vô vàn lợi ích từ hình thức trị liệu này tại Đất Trị Liệu.
Trích dẫn
Anderson, C.M., Reiss, D.J. and Hogarty, G.E. (1986). Schizophrenia and the family: A practitioner's guide to psychoeducation and management, New York: Guilford Press.
Baldwin, S., Christian, S., Berkeljon, A., & Shadish, W.R. (2012). The effects of family therapies for adolescent delinquency and substance abuse: A meta-analysis. Journal of Marital and Family Therapy, pp. 38, 281–304.
Dallos, R., Draper, R. (2010). An Introduction to Family Therapy: Systematic Theory and Practice. 3rd Edition. Milton Keynes: Open University Press.
Dirkzwager, A., Bramsen, I., Ploeg. H. (2003). Social support, coping, life events, and posttraumatic stress symptoms among former peacekeepers: A prospective study. Personality and Individual Differences, pp. 34(8), 1545‐59.
Fallon, I., Boyd, J.L. & McGill, J.W. (1984). The Family Care of Schizophrenia. New York. Guilford Press.
Fossum, S., Handegård, B. H., Martinussen, M., & Mørch, W. T. (2008). Psychosocial interventions for disruptive and aggressive behaviour in children and adolescents: a meta-analysis. European child & adolescent psychiatry, 17(7), 438–451. https://doi.org/10.1007/s00787-008-0686-8
Gillies, D., Maiocchi, L., Bhandari, A., Taylor, F., Gray, C., O'Brien, L. Psychological therapies for children and adolescents exposed to trauma. Cochrane Database of Systematic Reviews 2016, Issue 10. [DOI: 10.1002/14651858.CD012371].
Goldenberg, H., Goldenberg, I. (2012). Family Therapy: An Overview. 8th Edition. Belmont: Brooks/Cole Cengage Learning.
Helps S. (2016). Systemic psychotherapy with families where someone has an autism spectrum condition. NeuroRehabilitation, 38(3), 223–230. https://doi.org/10.3233/NRE-161314
Hogarty, G. E., & Anderson, C. M. (1986). Medication, family psychoeducation, and social skills training: first year relapse results of a controlled study. Psychopharmacology bulletin, 22(3), 860–862.
Kaniasty, K., Norris, F. (2008). Longitudinal linkages between perceived social support and posttraumatic stress symptoms: sequential roles of social causation and social selection. Journal of Traumatic Stress, pp. 21(3), 274‐81.
Minuchin, S. (1974). Families & Family Therapy. Harvard University Press; Cambridge, MA, USA.
Norcross, J. C., VandenBos, G. R., Freedheim, D. K., & Krishnamurthy, R. (Eds.). (2016). APA handbook of clinical psychology: Applications and methods. American Psychological Association. https://doi.org/10.1037/14861-000
Pekkala, E., & Merinder, L. (2002). Psychoeducation for schizophrenia. The Cochrane database of systematic reviews, (2), CD002831. https://doi.org/10.1002/14651858.CD002831
Pitschel-Walz, G., Leucht, S., Bäuml, J., Kissling, W., & Engel, R. R. (2001). The effect of family interventions on relapse and rehospitalization in schizophrenia—A meta-analysis. Schizophrenia Bulletin, 27(1), 73–92. https://doi.org/10.1093/oxfordjournals.schbul.a006861
Ruffolo, M. C., Kuhn, M. T., & Evans, M. E. (2005). Support, empowerment, and education: A study of multiple family group psychoeducation. Journal of Emotional and Behavioral Disorders, 13(4), 200–212. https://doi.org/10.1177/10634266050130040201
Ruffolo, M. C., Kuhn, M. T., & Evans, M. E. (2006). Developing a parent-professional team leadership model in group work: work with families with children experiencing behavioral and emotional problems. Social work, 51(1), 39–47. https://doi.org/10.1093/sw/51.1.39
Von Bertalanffy, L. (1968). General System Theory: Foundations, Development. New York: George Braziller.
Comentarios