Nghệ thuật của việc chấp nhận: Lợi ích tuyệt vời ẩn sau những nỗi buồn quen thuộc
Bất chấp vai trò thiết yếu của nó trong đời sống, nỗi buồn thường bị con người phớt lờ hoặc tìm cách đè nén trong các tình huống hằng ngày.
Tìm hiểu vai trò của nỗi buồn trên phương diện tiến hóa và tâm lý học
Nỗi buồn, một cảm xúc phát sinh hoàn toàn bản năng của con người khi đối diện trước những hoàn cảnh không như ý, đã được một số nhà tâm lý học tiến hóa đặt ra giả thuyết về vai trò sinh tồn của nó trong tự nhiên. John Bowlby, một nhà tâm lý học người Anh vào giữa thế kỷ 20, đã đề xuất thuyết gắn bó (attachment theory) nhằm giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người. Theo thuyết này, trẻ sơ sinh và trẻ em thường có xu hướng gần gũi với người chăm sóc (phần lớn là cha mẹ) vì mục đích sinh tồn.
Trong một mối liên kết khỏe mạnh, người chăm sóc thường sẽ nỗ lực đáp ứng và hòa hợp với nhu cầu của trẻ, từ đó mang lại cảm giác an toàn cho các bé. Trong bối cảnh trên, nỗi buồn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình gắn bó xảy ra bằng cách báo hiệu sự mất mát (mỗi khi đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ) và thúc đẩy nỗ lực giải quyết sự mất mát đó (khiến đứa trẻ trông ngóng, tìm cách gặp lại người chăm sóc).
Hơn nữa, các học thuyết gia còn cho rằng nỗi buồn có thể đã tiến hóa thành phương tiện giúp con người “tranh thủ” lòng trắc ẩn khi cần thiết. Cụ thể, nước mắt của ta đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các hành vi giao tiếp xã hội phi ngôn ngữ bởi nó báo hiệu nhu cầu được hỗ trợ, an ủi và ủng hộ từ người khác. Nói cách khác, nỗi buồn chính là “cái giá phải trả” trong nỗ lực tạo dựng kết nối giữa các cá thể trong một cộng đồng.
Mối tương quan giữa nỗi buồn và khả năng ghi nhớ
Ngoài việc trợ giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn từ hàng nghìn năm trước, người ta tin rằng nỗi buồn còn tác động đến cả trí nhớ của con người. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2008 trên tạp chí “Tâm lý Xã Hội Thực Nghiệm” cho thấy tâm trạng tiêu cực có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ghi nhớ của một cá nhân.
Các nhà nghiên cứu chọn kiểm tra trí nhớ của 73 khách hàng ngẫu nhiên trên đường phố, và phát hiện rằng mọi người thường nhớ rõ các vật phẩm mà họ thấy trong cửa hàng một cách sống động hơn khi đi mua sắm vào những ngày âm u, mưa gió. Ngược lại, trong những ngày nắng đẹp và tâm trạng tích cực, trí nhớ của họ lại trở nên ít chính xác hơn ở các tình huống tương tự. Nghiên cứu này chứng minh rằng những cảm xúc tiêu cực có thể tăng cường khả năng ghi nhớ của con người bằng cách nâng cao sự chú ý của ta đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Khi nỗi buồn tựa như “nàng thơ”: chất xúc tác tuyệt vời cho khả năng sáng tạo nghệ thuật của con người
Chúng ta thường không nghĩ tới mối liên hệ giữa nỗi buồn và việc sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Tuy nhiên, mối quan hệ trên thực sự tồn tại. Hãy nghĩ tới những bộ phim điện ảnh gây xúc động mạnh mẽ, hoặc một bài hát gợi lên những rung động dữ dội nhất trong bạn. Nghe có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng nhiều người lại tin rằng bản chất của nghệ thuật chính là phải khơi gợi lên được chiều sâu cảm xúc trong tâm hồn người thưởng thức (và tôi cũng không phải ngoại lệ đâu!).
Đọc thêm: Khám phá phương pháp trị liệu nghệ thuật
Có một quan điểm khá phổ biến cho rằng người nghệ sĩ thường sẽ thành công tạo nên các tác phẩm nghệ thuật ấn tượng sau khi trải qua một nỗi đau buồn nào đó trong cuộc đời. Một số ví dụ đáng chú ý có thể kể đến như: bức tranh “The Old Guitarist” của Picasso (phản ánh cuộc đấu tranh của ông năm hai mươi hai tuổi và sự đồng cảm với hoàn cảnh của những người bị áp bức thời đó), hay bức “The Starry Night” của Van Gogh được vẽ trong những tháng ngày đau khổ của ông khi phải chống trọi với vô số chứng bệnh về tinh thần. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến chai nước hoa mang tính biểu tượng của Coco Chanel, Chanel No. 5, được lấy cảm hứng sau sự ra đi của chồng bà.
Tương tự như trên, bộ phim “The Kid” của danh hài Charlie Chaplin đã được sản xuất trong thời kỳ đầy biến động do cuộc ly hôn của ông gây ra. Ngay cả bộ truyện nổi tiếng "Harry Potter" của tác giả J. K. Rowling cũng được viết trong khoảng thời gian tác giả mắc bệnh trầm cảm, vốn là kết quả sau cuộc ly hôn đầy sóng gió trước đó. Những trường hợp trên đã cho thấy tiềm năng vô tận của nỗi buồn trong việc tạo ra thứ nghệ thuật xuất chúng, để lại dấu ấn khó phai xuyên suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Phương thức đối phó hiệu quả nhất với nỗi buồn là gì?
Bạn có thể đang nghĩ, "Mình nên tiếp nhận cảm giác buồn bã của bản thân bằng cách nào đây?" Câu trả lời đơn giản nhất là: hãy chấp nhận nó đi! Mặc dù đối mặt với những cảm xúc u sầu có thể là một thử thách không mấy dễ chịu, nhưng đây vẫn là một khía cạnh không thể thiếu trong trải nghiệm của con người nói chung. Điều cần thiết là bạn phải tìm cách thể hiện lòng trắc ẩn với chính mình khi những cảm xúc này nảy sinh.
Đọc thêm: Khi nào bạn cần gặp nhà trị liệu?
“Wabi Sabi” - Một cái nhìn khác về nỗi buồn
Một cách vượt qua nỗi buồn hiệu quả mà bạn có thể áp dụng là thông qua khái niệm mỹ thuật “Wabi Sabi” trong văn hóa Nhật Bản, vốn là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai danh từ wabi (tinh hoa tìm thấy trong sự tĩnh lặng) và sabi (nỗi niềm cô đơn) nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo trong cuộc sống. Một trong những triết lý hay nhất của lối sống Wabi Sabi phải kể đến “Kintsugi” - kỹ thuật hàn gắn đồ vật đã bị vỡ bằng cách dùng chất liệu như sơn mài trộn với bột vàng, bạc hoặc bạch kim thay vì vứt đi. Những vết tích không hoàn hảo trên món đồ sau đó sẽ được xem như một minh chứng độc đáo cho lịch sử trường tồn của nó với thời gian, từ đó làm tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị của món đồ trong mắt người sử dụng. Hãy nhớ đến quan điểm độc đáo này mỗi khi bạn cảm thấy buồn bã, tiêu cực hay mất động lực nhé!
Reference:
Garibaldi, C. (2015, June 5). Wiz Khalifa's 'See You Again' was written in about the time you could listen to it twice. MTV News. https://www.mtv.com/news/v49vnm/charlie-puth-wiz-khalifa-see-you-again
McKay, T. (2014, November 4). There's Happy News for People Who Listen to Sad Songs. Mic. https://psychpedia.blogspot.com/2014/11/theres-happy-news-for-people-who-listen.html
Oppong, T. (2018, November 1). Wabi-Sabi: The Japanese philosophy for a perfectly imperfect life. Personal Growth.
Joseph, F. (2017, May 14). Why bad moods are good for you: the surprising benefits of sadness. The Conversation. https://theconversation.com/why-bad-moods-are-good-for-you-the-surprising-benefits-of-sadness-75402
Shachan, D. (2018, August 13). Don't worry about feeling sad: On the benefits of a blue period. Aeon. https://aeon.co/ideas/dont-worry-about-feeling-sad-on-the-benefits-of-a-blue-period
Thompson, A. (2007, September 5). Bad memories stick better than good. Live Science. https://www.livescience.com/1827-bad-memories-stick-good.html
Tugend, A. (2012, March 23). Praise is fleeting, but brickbats we recall. The New York Times. https://www.nytimes.com/2012/03/24/your-money/why-people-remember-negative-events-more-than-positive-ones.html
Comments